Đã tìm ra nguồn gốc của phiền não và cách buông bỏ chúng khỏi cuộc sống

26/10/2020    7.092    4.77/5 trong 28 lượt 
Đã tìm ra nguồn gốc của phiền não và cách buông bỏ chúng khỏi cuộc sống
Trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi các phiền não, muộn phiền, thậm chí có người còn sống mãi với khổ đau mà không thoát ra được. Tại sao có những chuyện cần nhớ thì không thể nhớ, muốn quên thì mãi chẳng thể quên. Chúng ta cùng tìm nguồn gốc của phiền não qua bài viết Nha tổng hợp dưới đây nhé!
Đầu tiên chúng ta cùng đọc câu chuyện sau để xem nguồn gốc của phiền não là gì nhé!

Nguồn gốc của phiền não

Có một lần, mấy người chúng tôi là bạn học lâu năm gặp lại, cùng hẹn nhau đến nhà thầy giáo thời đại học. Thầy giáo rất vui mừng, hỏi chúng tôi cuộc sống hiện tại của mỗi người như thế nào.
Không ngờ chỉ một câu hỏi của thầy đã khiến mọi người phàn nàn không thôi. Mọi người nhao nhao nói ra những việc không như ý trong cuộc sống như: Áp lực công việc lớn, cuộc sống có nhiều phiền não, buôn bán cạnh tranh khó khăn, con đường thăng tiến tắc nghẽn…
Dường như mọi người đều nói quên mất thời gian. Thầy giáo nghe chỉ cười mà không nói gì, rồi từ trong bếp lấy ra mấy chén trà đặt ở trên bàn.
Những cái chén này đủ kiểu dạng khác nhau. Có cái làm bằng sứ, có cái làm bằng thủy tinh, có cái làm bằng đất nung. Cái thì thoạt nhìn xa hoa cao quý, cái thì có vẻ bình thường sơ sài…
Thầy giáo nói: “Tất cả đều là học trò của ta, cho nên ta sẽ không xem mọi người là khách, nếu ai khát thì tự mình rót nước mà uống đi”.
Nói nãy giờ như xả được một bụng tâm sự, mọi người đều cảm thấy khát khô miệng, liền cầm cái chén mà mình cảm thấy vừa ý rót nước uống.
Chờ trong tay mọi người đều cầm một chén nước, lúc này thầy giáo mới nói: “Các trò có phát hiện ra rằng, trong tay mỗi người là một cái chén được trang trí tỉ mỉ đẹp nhất, tốt nhất. Còn cái chén làm bằng đất nung này thì lại không có ai chọn nó”.
Đương nhiên tất cả chúng tôi thấy thật khó hiểu, ai cũng đều hy vọng rằng cái chén mình cầm trên tay là cái đẹp nhất.
Thầy giáo nói: “Đây là nguồn gốc phiền não của các trò”.
Mọi người cần là thứ nước bên trong mà không phải là cái chén đựng nó. Nhưng chúng ta vô tình hay cố ý lại đi chọn cái chén tốt nhất.
Điều này cũng giống như cuộc sống của chúng ta vậy. Nếu cuộc sống được ví là nước, như vậy thì công việc, tiền bạc, địa vị… tất cả những thứ này chính là cái chén, chúng chỉ là thứ công cụ để chứa đựng nước (cuộc sống của chúng ta mà thôi).
Kỳ thực, cái chén thật tốt, thật đẹp hay xấu xí cũng không làm ảnh hưởng chất lượng của nước bên trong. Nếu cứ hoài phí tâm tư ở cái chén thì mọi người sao còn có thể có tâm tư để ý đến vị ngọt đắng của nước nữa. Đây không phải là tự tìm phiền não sao? Vậy phiền não là gì?

Phiền não là gì?

Theo Wikipedia: Phiền não là những trạng thái của tâm thể hiện sự ngộ độc của con người đối với ba độc tố THAM, SÂN, SI khiến cho con người bị trói buộc mãi mãi trong vòng luân hồi.
Khi nhìn theo con mắt của nhà Phật: Sở dĩ chúng sinh còn chịu nhiều đau khổ trùng điệp do sáu căn bản phiền não: Tham (Tham lam), Sân (Nóng giận), Si (Mê muội), Mạn (Kiêu căng), Nghi (Nghi ngờ) và Kiến gây nên. Bất kể một ai, người trí, người ngu, người giầu người nghèo… không phân biệt, muốn cho mình một đời sống thanh tao, yên vui về thân tâm hoặc thành tựu trong việc tu tập thì đều phải làm lắng yên cho kỳ được sáu căn bản phiền não này. Trong đó ba con rắn độc: Tham, Sân, Si là những phiền não thâm căn cố đề nhất.

Cách buông bỏ phiền não khỏi cuộc sống

Thực ra, sâu thẳm trong mỗi chúng ta ai cũng có những vết thương lòng, ai cũng có những nỗi khổ đau day dứt khó nguôi ngoai. Nói rằng thời gian rồi sẽ chữa lành tất cả, kỳ thực chỉ là dối người và tự lừa gạt chính mình. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có buông bỏ được phiền não hay không?
Chúng ta lại theo dõi câu chuyện sau:
Có một người đàn ông với vẻ mặt rất khổ sở đến hỏi một vị hòa thượng:
- "Thưa thầy, có một số thứ và một số người, tại sao con lại không thể buông bỏ được?"
Vị hòa thượng nói:
- "Không có gì là không thể buông bỏ được."
Người đàn ông kia vẫn khẳng định:
- "Có những thứ và những người mà hết lần này đến lần khác con vẫn mãi không buông bỏ được!" ​
Vị hòa thượng liền bảo anh ta cầm một cái chén lên rồi ngài rót nước trà vào chén. Hòa thượng cứ rót mãi cho đến khi nước trà trong chén tràn cả ra ngoài. Nước trà nóng đổ lên tay người đàn ông khiến anh ta không thể chịu được nữa liền vội vàng đặt chén trà xuống.
Lúc này, vị hòa thượng mới điềm đạm nói: "Trên đời này không có gì là không buông bỏ được, chỉ cần con cảm thấy đau đớn đã đủ rồi, thì tự con sẽ bỏ xuống được thôi."
Vậy khi nào thì là đau đớn đủ lớn với nhưng viết thương lòng. Có những người vì phiền não khổ đau mà lựa chọn những cách giải quyết rất tiêu cực như mắng chửi, bạo hành người khác, tìm cách trả thù đời, trả thù người, tìm đến với những thú vui như rượu, thuốc kích thích, cờ bạc, tình dục… để tạm quên đi nỗi khổ trong lòng mình và được trải nghiệm cảm giác "hả hê" trong thoáng chốc. Nhưng cho đến khi nào mà chúng ta vẫn còn đi tìm những cách giải quyết khổ đau cho mình ở bên ngoài thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được, mỗi ngày chúng ta lại tiếp tục thấy những nỗi khổ đau, day dứt chất chồng thêm. Đó là lý do mà nhiều người rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng, bế tắc và thậm chí dẫn đến việc tự kết thúc đời mình.
Nhìn lại cuộc đời như gió thoảng mây bay, quá khứ trôi qua như mộng ảo không còn gì để nắm giữ được thì bỗng nhiên không còn muốn cố chấp nữa. Bởi vậy, không phải là thời gian có thể chữa lành những vết thương lòng, mà chính do cái tâm chúng ta đến lúc nào mới chịu buông xuống mà thôi.
Khi chúng ta quá bận tâm, đặt nặng một vấn đề thì những suy nghĩ trong đầu sẽ cứ loanh quanh luẩn quẩn, chẳng khác nào đang bị một sợi dây vô hình trói buộc và không thể nào thoát ra ngoài phạm vi của nó được. Do vậy, chúng ta không còn có thể thấy được điều gì mới mẻ, rộng mở và tốt đẹp hơn. Cũng giống như khi chúng ta chỉ nhìn vào một góc chụp nhỏ hẹp của chiếc ống kính máy ảnh mà vội đi đến kết luận về toàn bộ sự việc. Trong khi một góc ảnh nhỏ xíu đó không thể nào nói lên toàn bộ sự thật, thậm chí có đôi khi nó còn bóp méo sự thật, có thể làm sai lệch hoàn toàn câu chuyện thực sự đang xảy ra. Vì vậy hãy xem lại góc nhìn, quan điểm của mình, xem nó có đang bị giới hạn, bị che khuất bởi thứ gì không, và hãy học cách mở rộng tâm hồn, mở rộng tư duy để đón nhận những điều mới mẻ, thiện lành và tích cực. Tất cả là do tâm, do chúng ta tự cho rằng việc gì là bình thường thì nó trở thành bình thường, mà chúng ta nhận định nó là hệ trọng thì nó trở thành hệ trọng.
Một sai lầm nữa là do chúng ta cứ luôn muốn rằng mọi việc phải diễn ra theo ý của mình, muốn những điều tốt đẹp phải kéo dài mãi mãi mà không chịu chấp nhận một sự thật rằng bản chất của mọi việc, mọi điều là vô thường, là biến đổi, là không bền chắc. Nếu hiểu được cái tính tạm thời này, thì thay vì chán nản hoặc buồn đau, chúng ta sẽ biết trân trọng mọi thứ ta đã và đang có được, sẽ không lãng phí thời gian, không để lỡ đời mình.
Trăng còn có lúc tròn lúc khuyết, đời có lúc hợp lúc tan, việc có lúc thành lúc bại. Luôn vận động, biến chuyển và đổi thay chính là quy luật của vũ trụ, quy luật của cuộc đời. Biết vậy rồi thì chúng ta sẽ thấy mọi việc xảy ra đều là chuyện bình thường, chúng ta sẽ không còn xem việc gì đó là quá mức quan trọng, không còn phải oán than khi không có được, hoặc khổ sở dằn vặt khi bị mất đi thứ mình thương yêu.

5 câu nói hay để loại bỏ phiền não

1. Hãy học cách thấy không phải sự vật khiến ta khổ não, mà chính ta làm phiền chúng. Hãy thấy thế gian như một tấm gương. Tất cả đều là sự phản chiếu của tâm trí. Khi bạn hiểu được điều này, bạn có thể tiến bộ trong mọi khoảng khắc, và mọi trải nghiệm đều tiết lộ chân lý và mang đến sự thấu hiểu.
2. Nếu bạn không ngủ được, hãy dậy và làm điều gì đấy thay vì nằm đó mà lo lắng. Chính sự lo lắng mới là vấn đề của bạn, không phải thiếu ngủ.
3. Bạn có thể chữa khỏi chứng phiền muộn nếu mỗi ngày điều đầu tiên bạn làm vào buổi sáng là nghĩ xem mình sẽ mang lại niềm vui thực sự cho ai đó như thế nào.
4. Cuộc sống cũng giống như cách pha trà! Hãy đun sôi cái Tôi của bạn, làm bay hơi mọi Lo Lắng, pha loãng mọi Buồn Phiền, lọc đi mọi Sai Lầm, và bắt đầu thưởng thức sự Hạnh Phúc.
5. Khi nào bạn thật sự buông xuống thì lúc ấy bạn sẽ hết phiền não.

Kết luận

Buông bỏ chính là như thế. Buông bỏ không phải là cố quên, là mặc kệ, là oán hận, là tìm cách trốn tránh, mà buông bỏ là chúng ta có thể dùng tâm thái bình thường để đối diện với nó, chúng ta không còn muốn kiểm soát mọi thứ, không còn gượng ép mọi việc phải xảy ra theo ý mình nữa. Chúng ta có thể an ổn khi việc đến vì biết "việc này do đủ duyên mà tạm thời xảy đến", rồi khi nó đi thì chúng ta cũng có thể bình thản vì hiểu được "việc này đã làm xong nhiệm vụ của nó trong cuộc đời mình, hết duyên thì sẽ phải đi"
Để nuôi dưỡng thân thể thì chúng ta luôn có ý thức lựa chọn thực phẩm tốt mỗi ngày, nhưng dường như ít ai để ý rằng tâm thức của chúng ta cũng đang liên tục tiêu thụ những loại thức ăn riêng của nó. Thức ăn cho tâm thức là tất cả những gì chúng ta tiếp xúc thông qua việc nghe, nhìn, học hỏi, qua sách báo, các phương tiện truyền thông, qua các mối quan hệ… Vì vậy, hãy có ý thức lựa chọn cho tâm thức của chúng ta những loại thức ăn tốt lành, nhờ đó mà tâm ta sẽ thay đổi mỗi ngày theo chiều hướng ngày càng tích cực.
Khi tâm thức đã đủ rộng lớn, bao dung và sáng suốt, thì đến một ngày, nhìn lại những thứ mà mình đã từng cho là khổ đau phiền não cùng cực khi xưa, chúng ta có thể bình thản mỉm cười và thấy rằng sao mà chúng nhỏ bé, vụn vặt và thực sự không đáng phải khiến ta đau khổ. Giống như ai đó đã từng nói rằng: "Khi bạn từ một con kiến trở thành một con voi, thì tảng đá to lớn đã từng chặn đường khiến cho bạn không thể vượt qua nổi ấy, hóa ra chỉ là một hạt cát bé nhỏ nằm dưới gót chân bạn mà thôi".

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết!

Nha thân tặng bộ source code blog này cho những ai quan tâm.
Tổng hợp từ nhiều nguồn

Bình luận