Bất luận trong cuộc sống gặp phải điều gì, con người đều có cách để giải quyết toàn vẹn. Có những lúc vô duyên vô cớ bị người khác sỉ nhục nói xấu, thì nên phản ứng lại thế nào? Trang Tử răn dạy bốn trí tuệ lớn trong nhân sinh về việc “không dễ dàng tức giận”.
1. Đối với những lời phê phán, chỉ trích, nói xấu bôi nhọ, kiên trì án binh bất động
Có một câu thành ngữ là “Hô ngưu hô mã”, nghĩa là dù người khác có chửi bới, hay khen ngợi, cũng không buồn so đo. Thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện mà Trang Tử kể.
Có một người tự nhận mình là thông thái, tên là Sĩ Thành Khởi. Ông ta thường nghe mọi người khen ngợi Lão Tử có trí tuệ siêu nhiên vượt bậc, vậy là vượt chặng đường dài đến bái kiến Lão Tử.
Thấy nhà của Lão Tử bừa bộn như ổ chuột, thì tức giận nói: “Nghe mọi người nói ngài là thánh nhân trí tuệ cao siêu, ta băng qua mấy trăm dặm đường đến gặp ngài, không ngờ ngài chẳng khác gì con chuột!”.
Lão Tử nghe xong không hề có phản ứng. Sĩ Thành Khởi chửi xong liền bỏ đi. Hôm sau, ông ta cảm thấy mình có lỗi, bèn đến xin lỗi Lão Tử.
Lão Tử điềm nhiên nói: “Thánh nhân với không thánh nhân gì chứ, thứ danh hiệu ấy ta sớm đã vứt bỏ nó như chiếc giày rách rồi. Ta nếu đã đắc được đại đạo, thì dù ngươi có chửi ta là trâu, là ngựa, là chuột, thì cũng có quan hệ gì chứ? Ta vẫn là ta”.
Người sống trên thế gian, khó tránh khỏi có lúc bị người khác tức giận, phê phán chỉ trích, thậm chí là vu khống bôi nhọ, nếu bạn vì thế mà tức giận, thì thật là không đáng!
Trong kinh Phật nói, con người phải gió thổi tám hướng cũng không động. Đối với sự phỉ báng của người khác, càng phản ứng kịch liệt thì càng không có hồi kết, chi bằng cứ án binh bất động, coi như nước đổ lá khoai!
2. Tâm thái “thuyền không” giảm bớt tranh chấp, đừng tự coi mình là trung tâm
Trang Tử đã từng nói đến một ví von khá thú vị là “thuyền không”. Nếu như bạn đang ngồi chèo thuyền, có một chiếc thuyền khác đi qua, người trên thuyền không giỏi chèo lái, đâm vào thuyền của bạn, lúc này rất có thể bạn sẽ tức giận.
Nhưng nếu trên chiếc thuyền đó không có người, là một chiếc thuyền trống không, gió thổi tới, liệu bạn có tức giận không?
Căn bệnh phổ biến của mọi người đó là quá đề cao bản thân, quá coi trọng chính mình, tự coi mình là cái rốn vũ trụ.
Quá coi trọng bản thân, sẽ dễ tranh chấp với mọi người, nếu như có tâm thái “thuyền không”, vậy thì cuộc đời sẽ bớt đi tranh giành, con người sẽ bớt tức tối nổi giận.
Có nhiều chuyện trong cuộc sống, chỉ dựa vào việc tức giận sẽ không giải quyết được vấn đề, vứt bỏ ngạo nghễ, không tự cho mình là trung tâm, sẽ dễ dàng hóa giải mọi mâu thuẫn.
3. Bất luận trong cuộc sống gặp phải điều gì, nhất định sẽ có lối thoát cho bạn trên thế gian này
Trong số những truyện ngụ ngôn mà Trang Tử kể, có một số người diện mạo không giống với người thường, trong đó có những người tàn tật bẩm sinh, hoặc có những người về sau chịu hình phạt mà thân thể không vẹn toàn.
Xét bề ngoài, tình trạng thể chất của bọn họ đều khác với người thường, nhưng những người này hoặc có hoài bão, hoặc có lý tưởng, hoặc sống rất vui vẻ hạnh phúc, hoặc rất thành công trong cuộc sống, thậm chí còn được tôn là kì nhân dị sĩ.
Có một người tên là Chi Li Sơ. Đôi vai của anh ta vượt quá đỉnh đầu, đầu thấp xuống tận dưới rốn, mái tóc vốn dĩ phải xoã ở phía sau, thì nó lại dựng ngược về trước; lục phủ ngũ tạng của anh ta đều chen chúc ở sau lưng, lưng còn bị gù, hai cái chân thì ở ngay bên sườn. Qua sự miêu tả của Trang Tử, người tên Chi Li Sơ này không những xấu xí, mà còn có vẻ dữ tợn, giống như một con quái vật.
Chi Li Sơ mưu sinh thế nào? Anh ta giúp người may quần áo, giặt quần áo, cũng đủ nuôi sống bản thân. Anh dư sức đi sàng cám, sàng gạo cho người ta, tiền kiếm được đủ nuôi sống mười miệng ăn.
Trang Tử cho rằng, những người mà tàn tật bẩm sinh như Chi Li Sơ, chỉ cần tự lực cánh sinh, là có thể tự nuôi sống bản thân mình, an hưởng tuổi già.
Trang Tử còn kể về một người tên là Ai Đãi Tha, cũng xấu đến nỗi quỷ thần kinh thiên động địa, nhưng anh ta lại có một sức hút thần kì. Nếu như nam nhân tiếp xúc với anh ta một thời gian, thì sẽ lưu luyến đức hạnh của anh, không muốn rời xa; nữ nhân vừa mới gặp, sẽ về nhà nói với phụ mẫu rằng, thà làm tiểu thiếp của anh ta, còn hơn là làm vợ chính thức của người khác.
Trang Tử cho rằng, trên thế gian ắt hẳn có những kiểu người như vậy, ngoại hình của họ bình thường, thậm chí là xấu xí, nhưng nội tâm lại có sức mạnh về nhân cách, vô tri vô giác thu hút người khác đến bên cạnh mình.
Sức mạnh chân chính của một người, không thể hiện ở tài năng nổi trội, hay
kỹ năng chói lọi nào đó, mà là có sức mạnh gắn kết. Trang Tử mượn câu chuyện của những người bị dị tật bẩm sinh và những người sau này cơ thể không được vẹn toàn, để so sánh với hai tình huống thường gặp trong cuộc sống: bẩm sinh thiếu thốn và những khó khăn gặp phải trong cuộc sống sau này.
Không phải ai cũng “ngậm thìa vàng” lớn lên trong sung túc, đại đa số mọi người xuất thân từ gia đình bình thường, thậm chí là gia cảnh bần hàn, ít nhận được sự trợ giúp từ cha mẹ, chỉ có thể tự mình vật lộn.
Tư chất của mỗi người cũng không giống nhau, sẽ có những khác biệt về mặt ngoại hình hoặc trí tuệ.
Trên đường đời, phần lớn mọi người khó tránh khỏi gặp phải những chuyện không thuận lợi, thế nên mới nói “đời không như mơ, 10 chuyện thì 9 chuyện không như ý”.
Tức giận hay oán hận đều vô ích, chi bằng hãy học theo trí tuệ của Trang Tử, mọi việc do con người quyết định, tích cóp kiến thức và đức hạnh, mở một lối đi cho bản thân.
4. Đường đời rất rộng, ai đi đường nấy, mỗi người có cách sống riêng
Trang Tử nói, chim ở núi rừng kiếm mồi không dễ, đi mười bước mới tìm được một con sâu, đi một trăm bước mới tìm được một ngụm nước, nhưng nó vẫn không thích bị nhốt trong lồng. Dù ở trong lồng không phải lo ăn uống, lông cánh mượt mà, nhưng lại mất đi tự do, không có gì vui vẻ. Đời người, sự tự do vui vẻ quan trọng hơn bất kể sự thành công phát đạt nào.
Một thiền sư đứng bên sông, nhìn người đánh cá giăng lưới, có một con cá cố sức bật ra khỏi lưới. Thiền sư phấn khích hét lên: “Thích quá, cá nhảy ra khỏi lưới rồi!”. Thiền sư khen ngợi như vậy, hàm ý rằng con người cũng nên tự thoát khỏi tấm lưới bủa vây của trò đời, giành được tự do; thoát khỏi phiền não nhân gian, đạt được sự giải thoát.
Trang Tử kể câu chuyện “Lỗ Hầu nuôi chim”: Từ vùng ngoại ô của nước Lỗ có một con chim biển rất to bay tới, quốc quân nước Lỗ vô cùng thích thú, kính cẩn lễ phép đưa con chim biển vào Thái miếu, diễn tấu những khúc nhạc trang nghiêm như “Cửu Thiều” để lấy lòng nó, chuẩn bị rượu ngon cho nó uống, giết bò dê cho nó ăn, ngày nào cũng dùng lễ nghi như vậy để cung phụng con chim biển.
Còn con chim biển thì sao? Ánh mắt mơ mơ màng màng, thần sắc u sầu, không ăn một miếng thịt, hay uống một giọt rượu, cứ đau buồn không vui như vậy, ba ngày sau thì chết. Chim biển chao liệng giữa trời xanh, thà chết chứ không muốn bị trói buộc ở trong lồng.
Thực ra khi tâm hồn bạn trở nên mạnh mẽ, thì mọi thứ bỗng chốc bé nhỏ lại! Mọi người có thể thử thay đổi thái độ và quan niệm, có lẽ thế giới của bạn sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
Trang Tử là ai?
Trang Tử là một Triết Gia, có tên là Mông Lại, Mông Trang hay Mông Tẩu, là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử. theo Wikipedia